Bạo lực học đường

Hiện nay, trong nhà trường có rất nhiều vấn đề đáng quan tâm. Từ nhỏ bé đến nghiêm trọng, những vấn đề này đang hằng ngày gây nhức nhối cho xã hội. Và vấn đề nghiêm trọng nhất, cấp bách nhất, cần phải được xử lí ngay lập tức, có lẽ là bạo lực học đường.

Vậy bạo lực học đường là gì? Bạo lực học đường là những hành vi thô bạo, ngang ngược, bất chấp công lí, xúc phạm đến người khác, gây tổn thương về thể xác và tinh thần, xảy ra ngay trong trường học. Không chỉ ở học sinh nam, bạo lực học đường còn xảy ra đối với cả học sinh nữ. Không chỉ dừng lại ở mức đánh đập, hành hạ, bạo lực học đường còn bao gồm cả xúc phạm, lăng mạ, đay nghiến, sỉ nhục, làm tổn thương về mặt tinh thần. Bạo lực học đường hiện đang có xu hướng gia tăng nhanh chóng, diễn ra ở nhiều nơi do đó đã trở thành một vấn đề bức bối của xã hội.

Không khó để tìm thấy trên internet những chủ đề như: nữ sinh đánh nhau, học sinh bị đánh hội đồng, bị đâm ngay giữa sân trường, nam sinh tạt axit thầy giáo … Mẫu số chung của các vụ đánh nhau luôn là nạn nhân ôm đầu chịu trận, khóc lóc van xin còn đám đông xung quanh thì reo hò cổ vũ, không một chút bận tâm. Và dưới mỗi bài, lượng bình luận lúc nào cũng tăng lên rất nhanh chóng. Không thể tưởng tượng được những con người đó sau này sẽ trở nên như thế nào, sẽ làm được gì cho xã hội.

Khi hỏi về lí do của những hành vi đó, người lớn thường nhận được những đáp án rất ngớ ngẩn: vô tình va chạm nhau trên cầu thang hẹp, nhìn đểu, nói móc, tranh giành người yêu, hay chỉ đơn giản là thấy ghét thì đánh… Hầu hết là do đặc điểm lứa tuổi còn bồng bột, xốc nổi, thích thể hiện mình, thiếu khả năng kiểm soát hành vi, non nớt trong kĩ năng sống, sai lệch về quan điểm sống. Do bị ảnh hưởng bởi môi trường văn hóa không lành mạnh: phim ảnh, đồ chơi, sách báo mang yếu tố bạo lực… Đặc biệt là nguồn thông tin không thể kiểm soát từ internet. Nguyên nhân sâu xa của tình trạng bạo lực học đường còn chính là từ gia đình: sự giáo dục chưa đúng đắn, thiếu quan tâm, bố mẹ bất hòa, li dị, bạo hành gia đình. Một phần nữa là do nhà trường quá nặng việc dạy kiến thức mà chưa thực sự chú trọng nhiệm vụ giáo dục nhân cách. Hiện nay xã hội vẫn thờ ơ, dửng dưng, chưa có sự quan tâm đúng mức, những giải pháp thiết thực, đồng bộ và triệt để từ cơ quan chức năng, chưa tạo ra những sân chơi bổ ích cho trẻ.

Hậu quả của bạo lực học đường gây ra thật ghê gớm. Trước hết chính là tổn thương về vật chất và tinh thần đối với người bị hại. Nhẹ thì bầm tím, xây xát còn nặng thì nhập viện. Và thỉnh thoảng vẫn có những cuộc đời phải tức tưởi kết thúc ở tuổi học trò. Với những thủ phạm, nhẹ thì tốn tiền chạy chữa thuốc men, bị nhà trường kỉ luật. Nặng thì người kỉ luật không phải nhà trường mà chính là pháp luật. Rồi còn cha mẹ, những người thân, anh chị em. Họ sẽ nghĩ gì khi người con, người cháu mà mình xiết bao kì vọng trở thành thủ phạm của những vụ đánh nhau? Tất cả những gì thủ phạm của các vụ bạo lực học đường nhận được là cúi đầu trước vành móng ngựa và những giọt nước mắt muộn màng. Bạo lực học đường tạo tính bất ổn trong xã hội: tâm lí lo lắng, bất an bao trùm gia đình, nhà trường. Nó khiến con người lùi dần về phía “con”, mất đi bản chất nhân văn-thứ đã giúp “con” trở thành “người”.

Trước thực trạng đó, chúng ta cần có những giải pháp cần thiết và cấp bách để ngăn chặn sự phát triển của nạn bạo lực học đường. Những người gây ra bạo lực học đường hãy mở rộng trái tim, nâng cao nhận thức, ý thức rõ ràng về hành động của bản thân. Họ phải luôn bình tĩnh, sống bằng một cái đầu lạnh và một trái tim nóng. Gia đình cũng là một nhân tố quan trọng giúp học sinh thực hiện được điều đó. Các bậc cha mẹ cần phải làm gương cho con, sống hòa thuận với nhau, phải quan tâm hơn đến con mình. Nhà trường chính là mái nhà thứ hai của mỗi học sinh, có một vai trò quan trọng trong quá trình hình thành nhân cách của trẻ. Phải tăng cường giáo dục, tuyên truyền rèn luyện kĩ năng sống, kĩ năng giải quyết mâu thuẫn, tổ chức những buổi nói chuyện chuyên đề để học sinh ý thức được tác hại của bạo lực. Tạo sân chơi lành mạnh để trẻ được thể hiện bản thân. Ngoài ra, xã hội cần có những giải pháp đồng bộ, chặt chẽ, quyết liệt, giáo dục con người từ gốc. Phim ảnh, game bạo lực cũng cần phải được kiểm duyện gắt gao. Chỉ cần ai cũng có thể giữ bình tĩnh, sống ấm áp, đầy yêu thương và quan tâm đến nhau thì chắc chắn bạo lực học đường sẽ không còn tồn tại.

Dù là một vấn đề nhức nhối của xã hội nhưng chúng ta cũng không nên vì thế mà mất niềm tin vào con người, vào thế hệ trẻ. Cần nhân rộng những tấm lòng cao cả, sẻ chia, giúp thế hệ trẻ hoàn thiện vẻ đẹp trong tâm hồn. Và từ chính thâm tâm mỗi người, chúng ta hãy cùng nhau đoàn kết để hạn chế hiện tượng đáng buồn này.

(Quang Duy – 9/1) 

Similar Posts

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *