Mùa sum họp

Jack Ma – một tỉ phú người Trung Quốc đã từng nói rằng: “Chúng ta sinh ra để sống và để trải nghiệm cuộc sống”. Quả vậy, những trải nghiệm đem đến cho con người nhiều giá trị. Với tôi, mỗi dịp nghỉ lễ thường đem đến cho tôi những trải nghiệm vô cùng ý nghĩa. Đó không chỉ là khoảng thời gian tôi có thể nghỉ ngơi, cùng gia đình tận hưởng kì nghỉ sau những ngày học tập, làm việc căng thẳng mà đó còn ý nghĩa hơn nữa bởi mỗi dịp nghỉ lễ tôi sẽ cùng bố mẹ về thăm quê, thăm ông bà. Hoàn cảnh làm việc và công tác xa nhà khiến cho tôi và bố mẹ không thường xuyên về quê thăm ông bà được, vì vậy mà những ngày nghỉ trở về quê hương đều vô cùng đáng quý và trân trọng. Chuyến về thăm quê ý nghĩa nhất đối với tôi đó chính là dịp về quê nhân dịp tết. Đó là một trải nghiệm khó quên của tôi.                                                                                                                                                   

           Sau một năm học tập đầy căng thẳng, đến dịp lễ tết Nguyên Đán, nhà trường cho học sinh nghỉ lễ trong vòng mười lăm ngày. Tôi cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc lắm bởi dịp tết Nguyên Đán chính là ngày lễ đặc biệt nhất trong năm. Và sẽ còn hạnh phúc hơn nữa khi tôi và gia đình của mình sẽ được đón tết bên ông bà. Đó sẽ là cái tết sum vầy đầy ấm cúng, hạnh phúc. Năm ấy, bố mẹ tôi được nghỉ muộn hơn nên phải đến ngày hai mươi sáu tết âm lịch thì cả gia đình mới cùng nhau bắt đầu về quê đón tết.

Đường về quê xa lắc, xa lơ. Tôi nhớ mãi câu nói ấy của Dế Mèn khi trở về nhà thăm mẹ và các anh. Mèn đã không quản ngại khó khăn mà thấy vui khi được trở về với quê hương của mình. Tôi lúc này cũng hăng hái như chàng Mèn vậy. Dù đi xa nhưng tôi cũng không thấy mệt, chỉ thấy háo hức mà thôi. Trên đường về nhà tôi bắt gặp rất nhiều hình ảnh thân quen, nào là con đường làng quen thuộc, là những đàn trâu thả ven đê, là những người bạn đang ngồi trên lưng trâu thổi sáo, thả diều. Nhìn thấy tôi các bạn gọi tên đầy vui vẻ. Không khí ngày tết ở làng quê thật ấm áp. Nếu như thành phố có cái ồn ào, tấp nập thì ở những vùng quê lại yên bình, thấm đượm tình người. Những cành đào khoe sắc được các bác, các chú mang về nhà bày biện ngày Tết mới thật rực rỡ làm sao.

           Về đến nhà, nghe tiếng tôi từ ngoài cổng, bà nội đã vội ra đón. Nhiều tháng không gặp, bà nội vẫn vậy, vẫn ánh mắt hiền từ, vẫn nụ cười ấm áp,… Tôi về, ông bà vui lắm. Ông bà rất thương tôi, đứa cháu nhỏ xa xôi không thường xuyên chăm sóc. Vì thế, tôi được ông bà rất cưng chiều. Ở quê không chỉ có ông bà tôi mà còn rất nhiều các chú, các cô của tôi nữa. Vừa về nhà, mấy đứa em họ tôi chạy sang kéo đi chơi. Tôi đến nhà các chú, các cô chào mọi người. Những người dân quê thật thà lắm, sống giản dị và rất chân thành.

           Những ngày gần tết là những ngày bận rộn nhưng lại là những ngày vui nhất. Hôm 29 tết, thấy bà đang rửa lá dong ở sân giếng, tôi đã cùng bà rửa cẩn thận từng chiếc lá dong xanh ngắt, để cho những chiếc lá không bị dập nát, như vậy gói bánh chưng mới thơm, ngon. Những công việc giản dị nhưng khi được làm với những người mà ta thương yêu thì ý nghĩa hơn rất nhiều. Sau khi rửa sạch, tôi giúp bà lau khô từng chiếc lá, sau đó mang lên hiên để ông nội gói bánh. Ông nội tôi thì vô cùng khéo tay, việc gì ông cũng có thể làm được. Ngày còn nhỏ, ấn tượng về ông nên tôi luôn có suy nghĩ ông là người tài giỏi nhất trên đời. Những chiếc lá dong được ông gấp khéo léo để cho gạo, đỗ, thịt lợn vào gói bánh. Những chiếc bánh vuông vức, xanh ngắt được ông buộc chặt bằng những sợi lạt dẻo dai trông thật đẹp mắt. Bánh chưng là món bánh truyền thống của đất nước ta, đối với những vùng quê như quê tôi thì những chiếc bánh chưng không chỉ là biểu tượng của ngày tết mà còn là biểu tượng của sự sum vầy. Tối đêm giao thừa là lúc cả đại gia đình tôi gồm cô, dì, chú, bác,… từ khắp nơi về đến cùng nhau ngồi luộc mẻ bánh ông tôi gói hồi sáng, tâm sự và ngồi coi chương trình Táo Quân – được chiếu hằng năm trước giao thừa đến, rồi cùng nhau đón giao thừa.

           Sáng mùng một Tết, tôi đã thức dậy thật sớm dù đêm qua đã thức để đón giao thừa, tôi khoác lên mình bộ áo dài màu đỏ truyền thống, cổ cao và trông rất đoan trang, bà tôi có chọc: “Chưa gì đã thêm tuổi mới mà đã ra dáng thiếu nữ rồi, sắp sửa lấy chồng được rồi đó”. Mẹ tôi cũng diện bộ áo dài đôi với tôi. Bố và anh tôi thì được mẹ phối cho chiếc cà vạt đỏ để “tông xuyệt tông” với bộ áo dài mà hai mẹ con tôi diện. Sau khi chuẩn bị sẵn sàng từ khâu trang điểm đến quần áo thì anh em tôi lại gần đến chúc ông bà và bố mẹ một năm mới tốt lành và thật nhiều sức khỏe, rồi họ phát cho anh em tôi mỗi ngườis một bao lì xì đỏ rực – hay còn gọi là tiền may mắn, là phong tục của người Việt Nam mỗi khi Tết đến với ngụ ý “tiền vô như nước”. Tiếp theo đó anh em tôi cùng bố mẹ đến thăm nhà họ hàng và người thân để gửi lời chúc tốt đẹp và phát bao lì xì cho mọi người. Đến tầm tờ mờ chiều, gia đình tôi mới bắt đầu trở về nhà để hồi chuẩn bị bữa tối và sửa soạn đồ để ngày mai còn thăm quê ngoại – quê mẹ tôi. Bữa tối hôm đó tôi đã đi ngủ sớm.

           Sáng mùng hai, bố tôi lái chiếc ô tô mượn từ chú tôi chở cả gia đình sang quê mẹ, cũng không xa cách quê nội tôi khoảng ba thị xã. Trên đường đi bố có nhắc lại kỉ niệm hồi xưa khi bố mẹ mới gặp nhau, tôi nhớ bố có nói dù hai người ở chung quê nhưng sau này đi thoát ly vào miền Nam thì mới được gặp và quen nhau, đây cũng là cái duyên của bố mẹ tôi, nên bố tôi cũng nói với tôi sau này nên biết chọn người bằng tính chứ đừng chọn bằng mặt tiền không thôi. Ôi trời, mới qua được một tuổi mà cả bà và bố tôi chưa gì đã tính đến chuyện tôi lấy chồng rồi, họ muốn tôi rời xa họ thế ư. Tôi cũng ậm ừ đáp lại rằng tôi chưa muốn lấy chồng sớm nên bố thôi nhắc chuyện đó với tôi. Cả chặng đường đi vui lắm, tôi được nghe bố giáo huấn về một khóa học chọn bạn trai được bố tự cho mình là hình mẫu lí tưởng, mẹ tôi nghe cũng phì cười nói bố không chân thật, anh tôi chỉ ngồi im một góc rồi nhếch mép cười đểu tôi như muốn nói: “Haha, này thì mỗi ngày cứ chọc anh này giờ thì biết hậu quả chưa”. Đến nơi rồi, bố ngừng lại bài giảng còn đang dở dang lại xuống mở cửa xe cho mẹ tôi, tôi cùng anh xuống xe rồi tiến thẳng vào nhà để nhanh chóng chúc ông bà và mọi người, gửi gắm những lời chúc yêu thương và may mắn cho họ.

Vì kì nghỉ tết của bố mẹ chỉ đến mùng bốn nên anh em tôi cũng nhanh chóng soạn đồ đạc để trở về thành phố cùng bố mẹ. Bố mẹ chuẩn bị đồ đạc để về mà lòng tôi trĩu nặng. Tôi thấy nuối tiếc một cái gì, như khi phải xa một thứ mình yêu quý. Các cô, các chú tôi gửi cho bao nhiêu là quà. Các em tôi đứa nào cũng nắm tay giữ lại, những bạn hàng xóm cũng sang chia tay. Chúng còn tặng tôi rất nhiều quà nữa. Những món quà ấy tôi vẫn giữ đến tận bây giờ.

 “Quê hương là chùm khế ngọt, cho con trèo hái mỗi ngày….” – những câu hát thân thương ấy mỗi lần vang lên tôi lại thấy nhớ ông bà, nhớ lần về quê với bao kỉ niệm. Và lúc đó, tôi ước mình là một cánh diều để được bay trên trời cao, được bay về chao liệng, tung tăng nơi mảnh đất quê hương. Chuyến về thăm quê của gia đình tôi nhân dịp tết Nguyên đán này vô cùng ý nghĩa bởi chính sự hạnh phúc, niềm vui của sum vầy. Đây là dịp để cả gia đình tôi được quây quần hạnh phúc bên nhau, cùng đón năm mới về biết bao nhiêu hi vọng tốt đẹp về một cuộc sống bình an, vui vẻ. Đón tết bên ông bà, người thân làm cho niềm vui năm mới nhân lên gấp bội, tôi sẽ mãi trân trọng những khoảnh khắc hạnh phúc như thế này. Những khoảnh khắc ấy sẽ là những trải nghiệm quý báu làm hành trang theo tôi mãi mãi.

Nguyễn Hà Linh – 9T2

Similar Posts

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *