Ba tôi

      Bàn tay nào đã ôm ấp tôi khi tôi chào đời? Bàn tay nào đã xoa lên mái đầu tôi mỗi tối, đã không ngại khổ nuôi tôi lớn khôn? Ai đã chỉ điểm những lỗi sai trong tôi, người luôn che chở, chăm sóc cho tôi. Điều hạnh phúc nhất đời tôi có lẽ được có ba, được sống trong tính yêu thương của ba, được tôi bàn tay chai sạn, giọng nói trầm trầm an ủi mỗi khi cảm thấy cô đơn. Và có lẽ, những cảm xúc tôi dành cho ông, những tình yêu thương tôi nhận lại, những thứ đó cách mặt nhưng không cách lòng.

      Nhìn ba, tôi thấy rõ những nỗi nhọc nhằn, vất vả, bươn chải của người dân lao động ở tuổi 50. Tóc đôi chỗ vàng hoe, phải chăng vì bị cái nắng gay gắt của trưa hè đốt cháy? Nhìn từng sợi tóc lần lượt phai bạc, tôi ước thời gian ngừng trôi mãi để tôi được ở cạnh ba, cạnh những cây cổ thụ, những con gà mái mơ, cạnh hồ cá rô phi,…. Bên cạnh tình thương bao la. Nhưng sự thật vẫn là sự thật, thời gian làm sao ngừng lại được, cũng như việc người lớn đã quyết thì trẻ con không thể làm trái. Từ bé, ba và mẹ đã xa nhau, ba ở Sài Gòn được vài năm rồi lại quay về quê, làm đủ thứ việc để lo tiền ăn học của tôi. Đã ngoài 50, ba năng làm việc quá, nghĩ đến lúc ba té ngã, thật sự tôi không biết phải làm sao! Không dám chắc là tôi hiểu ba, nhưng ở nhà nội, ba đã rất thoải mái, được ở một nơi không khí trong lành, có đàn bồ câu, có những chậu hoa lan, những thau củ nghệ được ba vui vẻ cắt nhỏ ra chuẩn bị làm tinh bột. Những hôm ba nhận kéo về mài,  những mẻ chuối hột chuẩn bị ngâm rượu, …. Nhìn bàn tay của ba chai sạn, gồ ghề, đôi chỗ nổi gân xanh, nhăn nheo lại, mà tôi cảm thấy thật có lỗi khi vô tâm và vòi vĩnh đòi ba những món đồ linh tinh. Bàn tay làm đủ thứ việc, bàn tay chạy xe số năm mươi kí-lô-mét mỗi tuần chỉ để thăm tôi. Những ngón tay tuy không bằng nhau, nhưng chúng là một tập thể biết tương trợ nhau trong mọi việc. Khuôn mặt nổi những đốm đồi mồi, nhìn ba không đẹp, nói thẳng ra có lẽ do tuổi già. Nghĩ lại tôi như muốn bật khóc, những hôm ba đón tôi, đi xa ông một khoảng, sợ chúng bạn thấy chiếc xe cũ, thấy chiếc cặp lớn mà ba đeo trên vai, cái tôi của tôi quá lớn, đã làm đau lòng ba rồi chăng?

Hồi tưởng lại, có lẽ tôi sẽ chẳng quên được lúc mẹ li dị ba, ba xách một chiếc cặp, quần áo cá nhân dắt theo chiếc xe máy, nhìn ba tuyệt vọng và nước mắt ngấn lệ. Có lẽ, ba không chấp nhận để nước mắt trào ra, để tôi không phải bật khóc làm đau lòng mẹ. Ánh nhìn của ba nhìn tôi trìu mến, làm ghi vào tâm trí đứa trẻ ba tuổi, bất giác tôi hỏi mẹ tại sao ba lại xếp đồ đi. Căn nhà bỗng trở nên im phăng phắc sau tiếng xe máy rồ lên. Lớn lên một chút, tôi bắt đầu hỏi mẹ: “Tại sao ba lại không ở chung với hai mẹ con mình vậy mẹ?” Không biết tôi đã vô tình lặp đi lặp lại câu hỏi với mẹ bao nhiêu lần nhưng bà chỉ im lặng. Đến tận bây giờ, những cảm xúc buồn bã khi nghĩ về ba với mẹ đã chẳng còn, những điều ước ba mẹ quay lại như trước đây đã mất tăm. Bởi tôi biết, cố chấp là vô ích, nhìn những gia đình có con chứng kiến cảnh ba mẹ cãi lộn hằng ngày, thật tội nghiệp cho đứa trẻ! Ít nhất tôi không có một gia đình trọn vẹn, nhưng được mẹ chăm sóc hằng ngày, ba ghé thăm hằng tuần. Tập sống tích cực hơn, nhìn mọi thứ thoáng hơn, thì có lẽ được gọi điện thấy mặt ba cũng không phải điều tệ, được mẹ bù đắp khi không có ba bên cạnh thật tuyệt vời! Chuyện người lớn đã làm trẻ con đau lòng, tập như ba tôi, ba là một người hiền lành, được mọi người quý mến, tôi cũng được “quý lây” . Các cô, chú nhà nội tôi luôn có mặt mỗi khi tôi buồn, những khi cảm thấy tủi thân, mấy khi tôi cảm thấy vui. Có lẽ, bí mật đối với tôi không quá quan trọng, bởi điều gì tôi cũng có thể chia sẻ với các sơ, dù không chắc sơ có hiểu tôi đến mấy, nhưng có người an ủi, lắng nghe đã là một điều tuyệt vời.

Chẳng mấy khi tôi được về nội, được ở cùng ba thì là ba lại bảo tôi đem sách tiếng Anh về cho ba đọc, ba rất thích tiếng Anh, thích học hỏi, thích nghiên cứu và trải nghiệm những thứ mới. Tôi coi tiếng Anh là một gánh nặng, thì ba lại thích cùng tôi học những từ vựng mới. Nhiều lúc tự hỏi rằng tại sao tiếng Việt mình không đủ hay sao lại đi học thêm tiếng Anh? Tôi cố đạt được điểm mười để cho ba vui, gắng vào bồi dưỡng Anh cũng là nguyện vọng của ba. Đôi lúc muốn chống lại, nhưng những căn bệnh tiềm ẩn cứ đeo bám ông, ba đã già, tôi không biết ba khi nào sẽ mất ông nên cứ cố làm tốt những điều ba mong. Bởi tôi biết, những điều đó đều muốn tốt cho tôi, muốn cùng tôi học hỏi và trau dồi, và hơn hết là mẹ tôi phản đối bất kì thứ gì về ba nhưng môn Anh thì không.

Một ngày ở quê nội có lẽ bận rộn nhưng vui, bận lẽo đẽo theo ba ra vườn, bận nhìn ba làm những công việc mà thành phố đâu có. Nhưng cuộc vui nào cũng kết thúc, mỗi lần tôi về nội có lẽ chưa quá một tháng. Mỗi năm có lẽ sẽ khác một chút, nhưng riêng việc lúc về nhà mẹ tôi lại nhớ ba, nhớ lại những hôm còn được hít không khí trong lành thì lại bị mẹ gọi vào đi học thêm, cứ mỗi lần như thế nước mắt lại tuôn, lại úp mặt vào gối thút thít. Mỗi lần như thế, tôi đều mè nheo mẹ. Đến giờ tôi hiểu, tôi không chỉ vô tâm với ba, còn cả mẹ nữa, mẹ là một phụ nữ kiên cường, một mình nuôi hai chị em tôi thấm thoát đã mười năm, thế mà khi thấy tôi khóc mẹ cũng cố nuốt nước mắt. Quả tấm lòng cha mẹ là tuyệt tác của tạo hóa.

      Tôi rất thương ba, ba đã vì tôi mà khó nhọc, cơ cực cả đời. Chính đôi bàn tay chai sần của ba đã nói lên tất cả, nói lên sự hi sinh vì đứa con ngây thơ, có hôm ba còn bảo: “Không biết ba có được thấy con cầm tấm bằng tốt nghiệp không nữa!” . Nhìn sâu vào đôi mắt ba,  tôi thấy được sự chịu đựng, nén lại những mệt mỏi trong lòng, mỉm cười với tôi. Tự nhủ với bản thân mình rằng sẽ cố gắng học thật giỏi để không phụ lòng ba, không phụ công lao ba mẹ nuôi tôi lớn. Tôi luôn nghĩ rằng: “Dù ta có báo hiếu cho cha mẹ cả đời cũng không bằng ba mẹ nhọc công cả đời nuôi ta lớn.”

Trần Thái Thanh – 7A3 (21-22)

Similar Posts

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *