HƯƠNG TẾT QUÊ NHÀ

Hiện giờ, dường như đã trưởng thành hơn, không còn là cô bé ngây thơ hồn nhiên như lúc đó, với tôi mà nói sự thú vị và cảm giác hân hoan ấy đối với ngày Tết đã một phần phai nhạt. Nhưng dù ở hiện tại hay tương lai, khi nhớ về những năm tháng ngày bé, nhớ những lúc đại gia đình sum vầy, tôi sẽ không hối hận bởi chính mình đã may mắn hơn bao người, tôi đã từng rất hạnh phúc!

Trên quãng đường trưởng thành của mỗi người, sẽ có một lúc nào đó, bạn nhận ra thời gian được ở cạnh bên gia đình là rất ít. Một năm 365 ngày, chúng ta đã dành đến tận 300 ngày hơn cho các mối quan hệ xã hội, học tập và sự nghiệp. Đó dường như là điều hiển nhiên trong cuộc đời của mỗi chúng ta, bộn bề và bận bịu thế đấy nhưng ít ai biết rằng, sau tất cả, chúng ta rồi cũng sẽ cảm thấy nuối tiếc khi hồi tưởng lại khoảnh khắc gia đình bên nhau hạnh phúc đến nhường nào. Bây giờ nghĩ lại mới thấy khi ta còn là một đứa trẻ, vô tư phải biết, lúc đó, ta chỉ nghĩ đến những thú vui mới, những trò chơi mới và đã từng hồi hộp mong chờ ngày lễ lớn nhất năm – chính là ngày Tết. Đã lâu rồi nhỉ, ngày Tết mà tôi cảm thấy thú vị nhất, ngày mà chúng tôi thật sự có những giây phút ngập tràn niềm vui và tiếng cười.

 Chạy vội xuống cầu thang, tôi ngó nhìn ra phòng ăn, thấy bà và các mẹ đang bận bịu chuẩn bị nguyên liệu làm bánh tét, tôi háo hức ngồi một bên ngoan ngoãn nhìn chăm chú. Đây là lần đầu tiên bà đích thân gói bánh tét sau bao nhiêu năm trì hoãn bởi bệnh tật. Tôi cũng chỉ mới biết bà dự định gói bánh cách đây vài ngày thôi, cứ nghĩ đến ngày hôm nay, trong lòng tôi không tránh khỏi cảm giác hồi hộp và mong chờ. “Xèo xèo…”, bà thả từng miếng thịt mỡ béo ngậy đã được ướp gia vị vào nồi, mùi thơm mặn mặn và của nước mắm đặc trưng, hăng hăng của tiêu sộc vào mũi khiến tôi không khỏi suýt xoa. Ngồi một lúc đâm ra chán, tôi đi loanh quanh thì thấy mợ đang lau các tấm lá chuối, tôi cũng bén mảng lại gần phụ mợ. Lấy khăn lau thật cẩn thận từng li từng tí những chiếc lá chuối xanh mươn mướt.

 Bây giờ đã là 11 giờ trưa, giờ mà mọi người đã đánh giấc trên những chiếc giường mềm mại thì nhà tôi lại sôi nổi quá thể. Tiếng nhạc xuân mở trong phòng khách đi kèm với tiếng đùa giỡn vang vọng của mấy đứa em tinh nghịch, các mợ, mẹ và tôi cùng chị họ ngồi chụm lại với nhau dưới chiếu, trò chuyện vui vẻ, chuẩn bị công đoạn gói bánh. Ngoại ngồi xổm xuống, đôi tay nhăn nheo của bà khéo léo lấy từng chiếc lá trải ra, rồi đổ từ từ những lon gạo nếp thành một ụn. Bà lấy một nắm đậu xanh, kế tiếp là từng miếng thịt ba rọi ướp đủ vị rồi cẩn thận gói lại. Dõi theo đôi tay của bà mà tôi không khỏi trầm trồ. Bà làm khéo quá! Mà cũng phải thôi, mẹ tôi từng kể, ngày xưa vào giai đoạn thiếu thốn cơm ăn áo mặc, để xây nhà, bà phải một tay nuôi thợ. Ngày xưa bà còn có sức của cô gái lực điền khỏe khoắn, một ngày bà có thể gói đến tận 30, 40 chục đòn. Nhưng mà theo quy luật của tự nhiên, càng về già, chúng ta không thể tránh được khỏi sinh-lão-bệnh-tử và cả bà cũng thế. Ông tôi thì ngồi cạnh bên, lấy từng lạt tre bó chặt từng đòn từng đòn. Ông xoắn cái lạt thành một hình tròn nhỏ, rồi buộc xung quanh chiếc lá chuối để giữ nguyên liệu bên trong không rơi ra ngoài. Tôi ngồi nhìn ông mà không ngớt ngưỡng mộ. Lần này bà nhìn qua tôi thấy tôi đang nhìn chăm chú ông thì mìm cười kể với tôi:

– Ông ngoại cháu làm mấy cái này khéo lắm. Nhưng mà ngày xưa, ông phải đi làm công tác xa nhà, mỗi mình bà gói bánh với mẹ và cậu của cháu thôi!

Nghe vậy, tôi cũng chỉ nhìn ngoại rồi im lặng. Khi bà đã gói gần hết số nhân, bà nhìn qua tôi mỉm cười đôn hậu:

– Qua đây, bà chỉ cho mà gói!

Tôi thấy vậy liền nhanh nhanh chóng chóng đứng dậy, chễm chệ ngồi kế bên bà. Bà cầm tay tôi hướng dẫn từng công đoạn gói bánh một cách tỉ mỉ. Tôi cứ ngỡ gói bánh cũng không quá khó, học một thoáng là biết làm ngay ai ngờ chúng cần phải công phu đến thế. Bà nhìn cách tôi gói không khỏi bật cười, rồi lại âu yếm nói:

 – Thôi để bà làm cho, cháu qua bắt bánh bột lọc với các mợ đi!

Nghe vậy, tôi cũng đành buông xuôi, ủ rũ qua ngồi gói bánh với các mợ và mẹ. Bánh bột lọc giống như một tấm chăn trắng muốt phủ thịt tôm vậy, nếu muốn nguyên liệu phong phú hơn có thể thêm thịt băm và đậu phộng. Phần bột lộc dẻo dẻo, dai dai ăn kèm với phần nhân đậm đà gia vị rất thơm. Đây là một món ăn truyền thống ở miền Trung quê tôi, chính xác là ở Quảng Trị. Bánh khi nấu cũng rất đặc biệt, thông thường sẽ có hai cách nấu là nấu bánh trần và nấu bánh gói. Tết đến nên nhà tôi thường dùng lá chuối gói bánh để trông đẹp mắt hơn.

Thoáng một cái, đã quá trưa. Dù những tia nắng vẫn len lỏi qua kẽ mây nhưng tiết trời se lạnh ở đây vẫn vậy. Những cơn mưa phùn lất phất như bụi tí tách tí tách trên từng tán lá. Tôi hướng mắt ra ngoài sân, không khỏi run lên khẽ. Gió ở đây so với Sài thành lạnh hơn nhiều. Sài Gòn ấm áp bao nhiêu thì nơi đây lại lạnh và giá buốt bấy nhiêu. Nhưng cái cảm giác khoan khoái khi của mùa xuân nơi đây cũng không khỏi thú vị. Từng đòn bánh Tét và bánh bột lọc giờ đã được xếp ngay ngắn trên bếp củi. Ánh lửa bập bùng đỏ chói, vừa ấm vừa nóng nom thật vui mắt. Tôi ngồi kế bên ông, canh nồi bánh chín. Những cây củi lần lượt cháy hết rồi lại thay thế bằng những cây củi khác, ông vừa thay củi, vừa kể chuyện cho tôi nghe. Ông bảo:

– Lúc ông còn trẻ, Tết nào cũng gói bánh hết cháu ạ. Lúc đó sức khỏe còn tốt nên làm được nhiều. Giờ già rồi, nên ít khi làm!

Tôi ngước lên nhìn ông, đôi mắt ông có chút đượm buồn nhưng nụ cười vẫn rạng rỡ và phúc hậu. Tôi và ông ngồi đó, nghe nồi bánh trên bếp củi sôi lục bục cho đến khi trời sẫm tối.

Đã gần đến 12 giờ rồi, sắp đến giao thừa rồi! Không khí trong nhà và khắp các nẻo đường, ngõ ngách thật phồn hoa, nhộn nhịp. Tôi khoác lên mình bộ quần áo đỏ mới, thích thú ngắm nhìn mình trong gương. Tết đến, gia đình cậu mơ sẽ tụ tập ở trong nhà ông bà ngoại nên bầu không khí sôi nổi lắm. Tôi ở phòng khách chờ đợi, trong niềm hân hoan, náo nức của một đứa trẻ. Cánh cửa nhà bỗng rung lên và mở tung ra, gia đình của cậu mợ tôi bước vào. Tôi chạy tới, ôm chầm họ rồi vui vẻ nói to: “Cháu chào cậu, mợ ạ!”. Cậu mợ nhìn tôi đầy vui vẻ, rồi chìa tay phong bì lì xì đỏ chói:

– Đây, tiền Tết của cháu đây, chúc cháu năm mới vui vẻ, xinh đẹp và luôn học giỏi nhé!

Tôi nhìn cô cậu cười cười, rồi vui vẻ đón nhận bao lì xì trong tay, miệng không ngớt ngâm nga. Ngồi trên bàn ăn, mọi người ai ai cũng nói chuyện rôm rả, người thì cười, người thì nói, lâu lâu còn có tiếng hò reo, tiếng khua chiêng múa trống từ xóm làng vọng lại. Tôi ngồi lắng tai nghe, tôi nghe được rồi, đây là tiếng Tết. Tiếng Tết năm nay đầm ấm quá. Bởi lẽ cả nhà có thể đoàn viên, không thiếu một người nào cả, đó hẳn là điều hạnh phúc nhất. Tết đến nên ai cũng bận bịu xã giao, nên hiếm khi đại gia đình của tôi được đông đủ. Nhìn mọi người vui vẻ, trong lòng tôi cũng vui lây, cả năm phải vùi đầu vào, lo toan mọi thứ, đây hẳn là khoảnh khắc mà mọi người mong chờ nhất. Ánh mắt tôi chuyển hướng về phía đòn bánh tét thơm ngon đang được bày trên bàn cùng vô số các món ăn khác. Nhìn chúng, tôi không khỏi thòm thèm. Tôi nhanh nhảu mở chiếc bánh tét ra rồi phân chia cho mọi người. Tôi xắn một miếng bỏ vào miệng. Và ngay lúc ấy, món bánh tét đó có cảm giác là lạ. Hương vị thơm thì thơm thật nhưng hình như…tôi liếc nhìn mọi người và nhận ra ai cũng có cảm giác như tôi cả. Cậu hai tôi lên tiếng trước:

– Bánh hình như hơi lạt với cả nếp chưa chìn mẹ à! Bà ngoại tôi nghe vậy cũng ăn thử một tiếng, rồi gật gù:

– Thật nhỉ! Chắc do lâu rồi nên mẹ mới nấu lại…

Nghe giọng bà có chút buồn buồn, tôi lên tiếng tiếp lời bà:

– Cháu thấy ăn vậy là ngon rồi mà ạ!

Rồi cả nhà bật cười, bầu không khí lại vui vẻ như trước. Đúng vậy, dù vị món ăn có thay đổi, có thể không còn như trước đây nhưng mà tấm lòng và tình thương của ngoại gửi gắm trong chiếc bánh này vẫn không thay đổi. Tình thương đó chan hòa cùng với sự sum vầy, đầm ấm của gia đình, của không khí lễ hội ngày Tết, tạo nên hương vị đặc trưng hơn cả, đó là hương vị hạnh phúc của gia đình. Bỗng nhiên có tiếng: “Bùm…bùm” từ đâu vọng tới. Mấy đứa em tôi reo lên:

– Là pháo hoa, pháo hoa!

Rồi chúng đứng dậy, chạy nhanh lên sân thượng, theo gót là tôi và các thành viên còn lại trong gia đình. Vừa mở cửa sân, tôi đã bị choáng ngợp bởi khung cảnh đặc sắc và rực rỡ trước mắt. Từng chùm, từng chùm pháo hoa ở khu nhà hát thành phố bay lên cao vút, rồi tỏa sáng một cách lộng lẫy. Khung cảnh này như một thước phim được quay chậm, sống động và rõ ràng. Đó quả là một ngày Tết giản đơn nhưng lại vô cùng đặc biệt trong tôi. Sự đặc biệt đó chính là dư vị ngọt ngào của gia đình, là khoảnh khắc mà mọi người được sum họp bên nhau.

Đây có lẽ sẽ là ngày Tết đáng nhớ nhất của tôi – khoảnh khắc lần đầu tiên được gói bánh cùng tất cả mọi người, khoảnh khắc mọi người ở bên nhau, dù giản đơn với mọi người khác nhưng với tôi nó rất quý báu. Hiện giờ, dường như đã trưởng thành hơn, không còn là cô bé ngây thơ hồn nhiên như lúc đó, với tôi mà nói sự thú vị và cảm giác hân hoan ấy đối với ngày Tết đã một phần phai nhạt. Nhưng dù ở hiện tại hay tương lai, khi nhớ về những năm tháng ngày bé, nhớ những lúc đại gia đình sum vầy, tôi sẽ không hối hận bởi chính mình đã may mắn hơn bao người, tôi đã từng rất hạnh phúc!

Phạm Thanh Hằng – 8A3 (NH2021-2022)

Similar Posts

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *