HOA LƯ-NGÔI NHÀ CỦA NHỮNG THẾ HỆ HỌC TRÒ

Chắc hẳn trong chúng ta, ai cùng đã một lần nghe qua cụm từ “ngôi nhà thứ 2”. Đúng vậy, “ngôi nhà thứ 2” chính là cách gọi khác của trường học, nhưng liệu bạn đã một lần suy nghĩ rằng: “Tại sao trường học lại là ngôi nhà thứ 2 nhỉ?” chưa? Tôi biết đến cụm từ này khi được học một bài tập đọc trong sách Tiếng Việt từ hồi đầu cấp Tiểu học cơ, nhưng mãi đến cuối năm ngoái, cái khoảnh khắc bước chân qua cánh cổng trường Trung học cơ sở Hoa Lư, tôi mới bắt đầu nhận thức được rằng: “À, ta gọi trường là nhà, vì ta yêu trường như yêu nhà mình vậy”. 

Trung học cơ sở Hoa Lư không phải là ngôi trường có cơ sở vật chất hiện đại nhất, càng không phải là ngôi trường mới mẻ khang trang như một số trường học mới xây ngoài kia; nhưng Hoa Lư lại là ước mơ, là khát vọng, là mục tiêu cháy bỏng cùa biết bao cô cậu học trò lớp 5 suy nghĩ về tương lai cấp 2. Tôi cũng vậy. Hồi đó, thời gian hạnh phúc nhất trong ngày chính là buổi chiều, khi mà tôi được mẹ cho đi theo đón anh họ học ở Hoa Lư về. Không phải xe kem đối diện, không phải quán nước trước trường, sự tri thức chẳng hiểu từ đâu mà có toát ra từ Hoa Lư chính là lý do duy nhất khiến tôi chiều nào cũng đòi đi theo mẹ, chiều nào cũng quên cả chào anh, khiến tôi thích ngôi trường này nhiều thật nhiều. Các bạn thử tưởng tượng lần đầu tiên được biểu diễn trên sân khấu của một thần tượng âm nhạc sau bao nhiêu năm gồng mình thực tập xem, đó chính là cảm giác sung sướng vỡ òa, vừa mừng vừa tủi. Không phải nói quá lên chứ đó chính xác là cảm xúc của tôi khi đồng phục, cặp táp xúng xính bước qua cánh cổng trường Hoa Lư ngày khai giảng.

Qua gần 2 năm gắn bó – không ngắn cũng chẳng dài, tôi đã gom góp được cho riêng mình những lý do để yêu Hoa Lư nhiều hơn. Tôi yêu những dãy phòng học ngày nào cũng ồn ào náo nhiệt, đặc biệt là tầng 3 ngập tràn nắng và gió. Tôi yêu khoảng sân trường rải rác lá phượng, lá bàng – nơi mà toàn trường ngồi lại đón những tin vui đầu tuần, hay bị nghe phê bình nề nếp. Tôi yêu không khí những ngày cuối tuần học bồi dưỡng, tuy mệt nhưng thấy thật tự hào vì được góp một phần nhỏ trong số những trái tim đang hết mình vì màu cờ sắc áo Hoa Lư. Tôi yêu phòng thư viện nho nhỏ, nơi mà mỗi tiết đọc sách đều phải trầm trồ vì “thì ra thằng bạn mình đánh cờ giỏi vậy mà đó giờ nó giấu”; vì những lần tự hào tìm được tên học sinh trường mình trong mấy cuốn sách như: “Những bức thư đoạt giải trong cuộc thi viết thư Quốc tế UPU”. Tôi yêu những dãy hành lang tràn ngập sự lo âu hồi hộp trước giờ thi, yêu cả không khí nhẹ nhõm, tiếng thảo luận sôi nổi từ khắp các lớp sau khi nộp bài. Mỗi ngày đến trường tôi lại tìm thêm được một lý do để yêu nơi này nhiều hơn – tôi yêu Hoa Lư từ những điều nhỏ nhất…

Giữa thời gian tất cả học sinh đang ở nhà học online chống dịch, có một lần tôi may mắn được cử đi dự diễn đàn trẻ em thành phố. Hôm đó là ngày đầu tiên sau gần 4 tháng, tôi được trở lại ngôi trường thân yêu. Chưa đến giờ khởi hành, tôi tranh thủ vào trường đi dạo một chút. Thật sự tôi đã phải giật mình với khung cảnh trước mắt… Hoa Lư trong tôi trước giờ luôn ồn ào náo nhiệt, tràn đầy sức sống… Chưa bao giờ tôi được thấy một Hoa Lư bình yên mà trầm lặng đến vậy. Nắng vẫn tràn ngập khắp sân trường, gió vẫn nhẹ nhàng lùa vào từng góc sân, nhưng không còn bóng dáng từng tốp học trò nô đùa chạy nhảy nữa. Lá vàng vẫn rơi khắp mặt sân nhưng không còn các cánh tay giành nhau phụ cô lao công nhặt nhụm từng chiếc; cờ đỏ sao vàng vẫn phấp phới bay nhưng tiếc là chẳng có học sinh nào để mà hát Quốc ca. Đi một vòng rồi, tôi bỗng nhận ra những lo lắng với bài thuyết trình tại diễn đàn mà tôi giữ trong lòng từ tối đã tan biến tự bao giờ. Thay vào đó là sự nhẹ nhõm yên bình lâu lắm rồi tôi mới cảm nhận được. Thì ra tình cảm tôi dành cho ngôi trường này đã nhiều đến như vậy, thì ra tôi yêu Hoa Lư từ mọi góc nhìn; náo nhiệt cũng được mà an yên thế này cũng được, miễn đó là Hoa Lư thì sẽ mãi là ngôi trường đẹp nhất trong trái tim tôi, là ngôi trường tôi yêu nhất trên đời. Hôm đó bài thuyết trình của tôi thành công lắm, được các anh chị Đoàn viên khen rất nhiều. Vì đi cả một ngày dài nên khi về đến trường thì tôi hơi mệt. Vừa bước chân qua cổng trường thì có một giọng nói quen thuộc ân cần hỏi chúng tôi: “Về rồi hả bọn con? Mệt không? Ổn cả chứ?”. À, ra là bác bảo vệ! Khoảnh khắc đó, bất giác tôi cười rất tươi, mệt mỏi bay đi đâu cả rồi! Không có bố mẹ ở đây, người quan tâm chăm sóc chúng tôi chính là các thầy cô giáo, là cô lao công, là bác bảo vệ trong trường. Nghĩ lại mới thấy, chúng tôi đều từ một cổng trưởng Hoa Lư mà đi tìm tương lai cho bản thân mình. Nào thi cử nào đại hội, nào tập huấn nào giao lưu, dù cho thành công hay thất bại, dù cho có giải hay ra về tay trắng thì cuối cùng, khi trở về trường rồi, chúng tôi cũng chỉ là những cô cậu học trò nhỏ bé của các thầy các cô. Dù là mang vinh quang về cho trường hay tự chuốc lấy thất vọng vào bản thân, chỉ cần quay về đây, chúng tôi luôn có một đại gia đình sẵn sàng chở che, tha thứ cho mọi lỗi lầm; luôn có một Hoa Lư kiên trì ở đó đợi chúng tôi trở về, dang đôi tay cho chúng tôi sà vào lòng. 

Sảnh trường là nơi chứng kiến cái cảnh tôi đã hoang mang bối rối như thế nào vào ngày tựu trường lớp 6 vì không được học chung lớp với nhỏ bạn thân. Những hàng ghế đá mát rượi kia là nơi trưa trưa tôi phải “ôm đầu” vì nghe morse chẳng được mà đánh semaphore cũng không xong. Hẳn là bác trống đã bao lần thở dài khi thấy tôi cùng cái cặp đen trên vai vội vã chạy vào trường lúc 6h59, lại còn cười hì hì “con ngủ quên”. Hồi đó, ở nhà ăn xa xa kia, có một cô bé hậu đậu làm đổ nguyên khay thức ăn xuống người, được bạn bè – có cả những người tôi chưa hề nói chuyện qua bao giờ – che chắn, phụ giúp đỡ lau dọn. Một trưa nắng tại phòng ngủ nào đó, có bạn lớp trưởng vì bị điểm kém do học sai bài mà ôm gối kìm nén hậm hực cả buổi, nhưng cô gác ngủ chị cần nhẹ nhàng xoa đầu hỏi: “Sao vậy con?” thì như cái bong bóng xì hơi, nắm tay cô nức nở suốt nửa tiếng. Sân trường chắc phải sốt ruột lắm khi có con bé cứ đi đi lại lại, cắn bút vò tóc cả giờ đồng hồ rồi nhưng trang giấy lập ý cho bài văn tả cảnh chưa có một chữ nào. Chắc là cô phượng thấy tức cười lắm khi cả một đám học trò cứ quay quanh cô nhìn nhìn ngắm ngắm,  có cô bé kia còn chạm tay vào lớp vỏ cây, đăm chiêu suy nghĩ rất lâu để rồi chép miệng ghi cộc lốc “vỏ cây: sần sùi” vào tờ giấy tìm hiểu Sinh học… Kỉ niệm của tôi với ngôi trường này nhiều chẳng kể hết được. Tôi chỉ biết rằng không tự nhiên mà chúng tôi gọi Hoa Lư là nhà, mấy câu như “các thầy cô nhà mình” không đơn thuần là vì quen miệng, cũng đâu phải bình thường mà giữa một tủ đồ đẹp đẽ, tôi chỉ thích mỗi cái áo trắng và chiếc váy xanh,… Tôi gọi Hoa Lư là nhà vì tôi xem Hoa Lư như nhà mình vậy! Ngôi nhà đó có “ba mẹ”, có “anh chị em”, có bộ đồng phục đẹp nhất trên đời, có cả tình yêu thương vô bờ bến. Chỉ cần được ở “nhà”, lòng tôi sẽ hạnh phúc và bình yên đến lạ…

Không biết vào lễ trưởng thành, các anh chị lớp 9 có nỡ bước qua cánh cổng trường ấy, để rồi đánh dấu trên bản đồ “con đường tương lai” rằng Hoa Lư chỉ còn là một “chấm đỏ kỉ niệm”… Chứ nếu là tôi, tôi nhất định sẽ đau lòng lắm. Tương lai thì vẫn còn mập mờ xa vời quá, chỉ có quá khứ là sẽ mãi ở đó, Hoa Lư sẽ mãi là một phần kí ức tươi đẹp thuộc về tuổi thanh xuân của tất cả chúng ta. Mong sao đại gia đình của tôi sẽ thật khỏe mạnh, sớm vượt qua đại dịch khó khăn, trở lại nhịp sống nhiệt huyết ngày nào. Ngôi trường này thật sự đã cho tôi rất nhiều điều, còn tôi thì tài cán không có là bao, chỉ có thể hứa sẽ cố gắng nỗ lực hết mình, trở thành một công dân có ích cho xã hội, không phụ lòng cha mẹ, thầy cô, bạn bè; để mai này ra ngoài có thể hãnh diện giới thiệu: “Mình là cựu học sinh Hoa Lư!” Hoa Lư ơi, cảm ơn cậu nhiều lắm! Nhìn xem, cậu chiếm một vị trí thật to lớn trong trái tim tôi!

Đặng Trần Huyền Thư (7A3 – NH 2021-2022)

Similar Posts

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *