“Học vấn không chỉ là chuyện đọc sách, nhưng đọc sách vẫn là con đường quan trọng của học vấn.” (Chu Quang Tiềm)

Thomas Carlyle đã nói: “Tất cả những gì con người làm, nghĩ hoặc trở thành được bảo tồn một cách kỳ diệu trên những trang sách.” Quả vậy, trải qua bao cát bụi của thời gian, bao sự biến hóa muôn hình vạn trạng của dòng đời, sách vẫn luôn tồn tại như một vật thiêng liêng vĩnh hằng, chưa bao giờ cúi đầu trước sự phát triển của thời đại. Bởi lẽ sách là tri thức của nhân loại, là những thông tin được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Một khi ta tiếp thu được tinh hoa của sách thì cũng là khi ta nắm trong tay một phần tri thức của đất trời, vì lẽ đó mà Chu Quang Tiềm đã nói: “Học vấn không chỉ là chuyện đọc sách, nhưng đọc sách vẫn là con đường quan trọng của học vấn.”

“Học vấn không chỉ là chuyện đọc sách”, bởi lẽ học vấn là kết quả, hiểu biết và tri thức mà ta thu nhận được qua quá trình học tập. Học tập không chỉ qua những con chữ trên sách vở mà còn qua trau dồi, tìm hiểu từ bạn bè, thầy cô và qua những trải nghiệm thực tế nhất của cuộc sống và xã hội. Ngoài đọc sách, ta còn có thể tích lũy kiến thức và nâng cao học vấn bằng nhiều cách, nhiều con đường khác nhau. Dẫu vậy, thật không ngoa khi ta nói trong hằng hà sa số những cách thức ấy, đọc sách mới chính là chiếc chìa khóa quan trọng nhất mở ra cho ta cánh cửa thành công của học vấn, giống như những gì mà Chu Quang Tiềm đã nói.

 Ta nói đọc sách là chiếc chìa khóa quan trọng có thể mở ra được chiếc hộp pandora của tri thức bởi lẽ trải qua hàng triệu năm xây dựng và phát triển thế giới, có vô số những kiến thức, phát minh của nhân loại đã liên tục xuất hiện. Tri thức tựa như đại dương, sâu không thấy đáy, rộng không thấy bờ, loài người sẽ chẳng thể nào vùng vẫy nổi trong đại dương  tri thức ấy mà không có chiếc phao cứu sinh, chính là sách. Sinh mạng con người có hạn, lời nói lại dễ gây nhầm lẫn, sai sót, vì lẽ đó mà loài người đã sử dụng một phương thức khác để lưu giữ và truyền đạt lại thành tựu của những đời trước, đó là ghi chép, và sách chính là phương tiện lưu giữ toàn bộ những bước tiến đột phá ấy của nhân loại. Sách tựa như một chiếc hộp thời gian, cất giữ những thành tựu, tri thức cao cả và lớn lao nhất của một đời, để rồi mang theo mình một sứ mệnh vĩ đại là bàn giao kiến thức cho nhân loại, để ta cùng góp sức phát triển, thay đổi và cải thiện, và rồi từ đó, ta sẽ xây dựng nên một thế giới ngày càng hưng thịnh và thành công hơn nữa. Do đó, sách đã trở thành một chiếc hộp thời gian, ôm trong mình những kho tàng quý báu và những di sản tinh thần của nhân loại vượt qua không gian và thời gian, chờ đợi thực hiện sứ mệnh cao cả nhất của mình.

Trên con đường tiến hóa học thuật dài đằng đẵng, sách tựa như một mốc son chói lọi, đánh dấu những bước tiến đột phá của loài người, để rồi từ cái nền tảng đã có sẵn đó, thế hệ sau sẽ gây dựng ngày một nhiều hơn nữa cho đến khi nó trở thành một tòa thành tri thức đầy kiên cố, giúp ta tiết kiệm được thời gian và công sức, thúc đẩy sự phát triển để đạt tới mục tiêu cuối cùng, và rồi từ đó con đường tiến hóa học thuật của nhân loại sẽ ngày một dài thêm. Bên cạnh đó, ta có thể chủ động được thời gian và thuận tiện về không gian khi học với sách, không bị ràng buộc và gò ép ở trong một khuôn khổ khô khan, cứng nhắc. Ví như hình thức sách điện tử đang ngày càng phổ biến vì sự tiện lợi của mình, ta có thể tận dụng khoảng thời gian rảnh, không tốn quá nhiều công sức nhưng vẫn có thể đọc sách một cách hiệu quả nhất. Đọc sách là con đường ngắn nhất cũng quan trọng nhất để tích lũy, nâng cao tri thức và phát triển bản thân, bởi lẽ nó chính là chiếc chìa khóa chủ chốt nhưng bất kỳ ai cũng có thể dễ dàng tiếp cận, miễn là ta sử dụng với một tâm thế đúng và hợp lý, chiếc hộp Pandora của tri thức sẽ luôn sẵn sàng mở ra. Ví như tỷ phú công nghệ Elon Musk, chỉ bằng việc chăm chỉ đọc sách, ông đã thành lập vô số dự án tiền tỷ, đồng thời ông cũng trở thành cổ đông lớn nhất của Paypal, ông còn thành lập công ty SpaceX – đơn vị chế tạo Hàng không Vũ trụ và công ty dịch vụ vận tải không gian cũng như vô số những công ty vô cùng phát triển khác. Ông từng bị bắt nạt khi còn ở châu Phi, và rồi những cuốn sách phiêu lưu, khoa học viễn tưởng hay bách khoa toàn thư đã trở thành tổ ấm để ông quay về mỗi khi mỏi mệt, chính những câu từ bay bổng ấy đã thổi bùng lên ngọn lửa của đam mê cháy bỏng trong ông, biến ông trở thành một “Huyền thoại sống” với những cuộc cách mạng công nghiệp huy hoàng, thậm chí ông còn được vinh danh là người có sức ảnh hưởng nhất bởi tập viết Time của Mỹ. Hay như Warren Buffett,  khoảng thời gian khởi đầu của sự nghiệp đầu tư, mỗi ngày ông điều đọc 600 đến 1.000 trang sách, và ông vẫn giữ thói quen dành hơn 80% thời gian bên cạnh sách tới tận bây giờ. Hay Bill Gates, một doanh nhân giàu nhất thế giới vẫn luôn có niềm đam mê bất diệt với việc đọc sách. Mỗi năm ông đọc hơn 50 đầu sách, trong lòng ông, sách tựa như một vị thầy tài ba mà không một ai sánh bằng. Chính vì chăm chỉ rèn luyện thói quen và kĩ năng đọc sách, họ đều đã chạm tới ngưỡng cửa của thành công, mở được chiếc hộp Pandora bí ẩn của nhân loại và sống sót giữa đại dương của tri thức, việc đó càng cho ta thấy đọc sách quan trọng và có ý nghĩa đến nhường nào. Ngoài đọc sách giáo khoa trên trường, ta nên tìm hiểu thêm về những đầu sách khác về cuộc sống, văn hoá, chính trị và thế giới, để có thể phóng tầm mắt ra ngày một xa, phát triển và trau dồi bản thân để ngày càng tiến gần thành công hơn nữa.

Mặc lợi ích mà sách vở mang lại cho ta, vẫn có những người chẳng màng rèn luyện thói quen đọc sách cũng như tinh thần tích cực ham học hỏi để nâng cao và củng cố tầm hiểu biết hạn hẹp của mình mà chỉ mãi dựa dẫm, ỷ lại vào những thứ có sẵn. Có người đã từng nói: “Đọc sách chưa chắc sẽ thành công, nhưng không đọc sách chắc chắn sẽ chẳng thể nào thành công được.” Ta nói đọc sách chưa chắc sẽ thành công bởi lẽ đọc sách và đọc sách đúng cách là hai phạm trù hoàn toàn khác nhau. Đọc sách đúng cách phải kể đến chất lượng và mức độ phù hợp, có những người chỉ qua loa đại khái, chọn bừa những cuốn không phù hợp với lứa tuổi và không mang lại những kiến thức có ích cho bản thân; hay những người chỉ biết cắm đầu vào mà đọc, đọc lướt qua cho xong chỉ để gắn lên mình cái mác đọc nhiều, tự hào vỗ ngực khoe khoang với thiên hạ nhưng hóa ra lại chẳng hiểu gì. Thà đọc ít mà hiểu nhiều còn hơn đọc ti tỉ cuốn sách nhưng trong đầu lại chẳng đọng lại nổi một chữ, việc này sẽ khiến ta mất thời gian, công sức một cách vô ích mà chẳng nhận lại được gì, nếu đọc như vậy, thà rằng không đọc.

 Vì lẽ đó mà tôi luôn có một phương châm rằng đã làm thì làm cho trót, đã đọc thì đọc cho sâu, để một khi ta bỏ thời gian và công sức ra thì nhất định ta phải thu lại được kết quả có ích cho mình. Để làm được điều đó, ta sẽ phải chọn cho tinh – lựa chọn sách phù hợp với lứa tuổi, có mang lại lợi ích và kiến thức hỗ trợ ta trong đời sống. Khi đọc phải có phương pháp, đọc kỹ, hiểu sâu, luôn rèn luyện thói quen ghi chép và đặt câu hỏi để tự tìm hiểu khi có vướng mắc rồi từ đó mới nhờ đến sự giúp đỡ của bên ngoài. Ta cũng cần lập một kế hoạch đọc sách tỉ mỉ, rèn luyện cách đọc chủ động, không dựa dẫm, phụ thuộc vào người khác, và luôn giữ tâm thế của một đứa trẻ – một tâm thế luôn thích thú, tò mò về thế giới xung quanh. Như thế mới có thể tận dụng triệt để kho tàng tri thức bao la của một cuốn sách. Một khi đã làm được, ta sẽ chẳng sợ việc phải vùng vẫy trong đại dương tri thức mênh mông vô tận ấy nữa, và ta cũng sẽ ngày một tiến gần hơn với thành công và mục tiêu của mình.

Bill Gates đã nói rằng: “Ta không thực sự già đi cho đến khi ta ngừng học. Mỗi cuốn sách sẽ trao cho ta một điều mới và giúp ta nhìn mọi thứ khác đi.” Quả vậy, đọc sách sự bao giờ đã trở nên vô cùng ý nghĩa với lợi ích tiềm tàng của mình, tựa như những hạt bụi phép thuật đầy nhiệm màu, rắc lên trái tim ta sự thông thái và ham học hỏi. Ngày 21/4 đã trở thành Ngày Sách Việt Nam nhằm tôn vinh những cống hiến của sách cũng như thúc đẩy văn hóa đọc của học sinh. Hãy hình thành thói quen đọc sách đúng cách bởi lẽ: “Học vấn không chỉ là chuyện đọc sách nhưng đọc sách vẫn là con đường quan trọng của học vấn.”

Lê Phạm Trúc Linh – 9/3 (NH 21-22)

Similar Posts

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *