Anh hùng bàn phím

Ngày nay, khi một câu nói chỉ trích, đả phá của bạn ở thế giới thực phải trả bằng một cái giá khá đắt: bị phản bác, chửi rủa, thậm chí bị thượng cẳng tay, hạ cẳng chân thì các trang mạng xã hội chính là bức bình phong lí tưởng để ta tha hồ bày tỏ chủ kiến của mình mà không lo sợ bất cứ điều gì. Và cũng từ đó, khái niệm “anh hùng bàn phím” ra đời.

Ta đừng lầm lẫn với khái niệm “anh hùng” trước đây, những con người xả thân vì đại nghĩa, trừ gian diệt bạo, sống trong sự ngưỡng mộ của nhân dân. “Anh hùng” của chúng ta ngày nay hoàn toàn khác biệt. Chỉ cần lượn một vòng Facebook, không khó để tìm thấy họ- những “anh hùng bàn phím”. Đó là những  cá nhân ẩn mình có ý kiến bình luận khá gay gắt về một vấn đề, luôn cho rằng quan điểm của mình là đúng và sẵn sàng tranh luận kịch liệt với những ý kiến trái chiều. Sở dĩ gọi họ là những “anh hùng bàn phím” vì tiếng nói của họ không được thốt ra từ miệng mà bằng mười đầu ngón tay gõ chuyên nghiệp trên bàn phím với “khiên đỡ” là màn hình máy tính, chẳng một ai có thể biết những “anh hùng” đó là ai trong xã hội thực kia. Chỉ biết rằng: lên án, đả kích hội đồng? Có họ! Thương theo, bênh theo, đồng cảm theo? Có họ! Thậm chí là bôi nhọ chính mình, cũng có thể gặp nhan nhản trên thế giới ảo.

Vậy tại sao các “anh hùng” lại chọn mạng xã hội làm “địa bàn hoạt động”? Đơn giản chỉ vì họ biết rằng những câu nói chua chát dạy đời mọi người của mình chẳng thể làm họ chuốt họa vào thân. Bởi vì sao? Bởi vì danh tính của họ được che chắn kĩ càng bởi màn hình máy tính. Xã hội phức tạp không tránh được miệng đời, thị phi là chuyện thường xảy ra. Và đó cũng là lí do để các “anh hùng” tung hoành. Đôi khi vì muốn thể hiện cái tôi của bản thân hay khẳng định cá tính một cách thái quá khiến chính chúng ta trở thành “anh hùng bàn phím”. Hay nhiều bạn trẻ đã quá chán nản với cuộc sống thực nhiều rủi ro ngoài kia, nên tìm đến mạng xã hội để giúp mình trở nên nổi bật hơn, được chú ý hơn và rồi tự biến mình thành các “anh hùng bàn phím”.

Mạng xã hội mãi mãi chỉ là thế giới ảo. Đừng để nó chi phối cuộc sống thật của ta.

Với phương châm “nói thừa còn hơn bỏ sót”, các “anh hùng bàn phím” mặc sức lên án, chỉ trích mọi người, mọi việc họ cho là sai, miễn là được nói, không cần được nghe. Đâu biết rằng cái mác “anh hùng” gắn lên người họ cũng chính là bức tường đẩy họ ngày càng cách biệt với cộng đồng. Từng câu nói của họ sẽ chỉ làm cao hơn thành giếng mang tên “tự cao – thiển cận” và chính họ là những con ếch ngồi dưới giếng ấy mà thôi. Cũng từ đó, họ tự tước đi cơ hội học hỏi, khả năng lắng nghe người khác của bản thân. Trở thành một anh hùng bàn phím là chấp nhận sự hèn nhát, núp bóng sau màn hình máy tính, là không biết chịu trách nhiệm trước những lời mình đã nói, dần dà mất đi khả năng giao tiếp, ứng xử ngoài cuộc sống. Và rồi…chỉ vì những lời đả kích vô tội vạ của các “anh hùng” mà bao người tìm đến những cách giải thoát tiêu cực khỏi những lời đay nghiến nặng nề, bao người nháo nhào tranh luận về một vấn đề không đáng bị mổ xẻ? Còn hàng tá những bi kịch khác chỉ vì các “anh hùng”.

Còn nhớ cậu bé Đỗ Nhật Nam, chỉ với câu nói: “Truyện tranh là con sâu đục khoét tâm hồn” mà em đã hứng chịu biết bao gạch đá của dư luận. Thiết nghĩ nếu các anh hùng bàn phím chịu suy nghĩ thoáng hơn một chút, dùng lời lẽ dễ nghe hơn một chút, liệu có kết cục buồn như ngày hôm nay? Đồng ý rằng bản chất của tranh luận là tốt, nó giúp ta rèn luyện khả năng phản biện và trau dồi cách sử dụng vốn từ. Thế nhưng tranh luận hoàn toàn không phải là tranh cãi vô ý thức, vô văn hóa. Nếu ai cũng có cái nhìn thoáng hơn về cuộc sống, không nhạy cảm thái quá trước các vấn đề của xã hội, chắc có lẽ đã không xuất hiện anh hùng bàn phím. Mạng xã hội mãi mãi chỉ là một thế giới ảo, đừng để nó chi phối cuộc sống thật của ta. Việc tham gia vào các hoạt động xã hội, chơi thể thao ngoài trời sẽ góp phần cải thiện các mối quan hệ và giúp ta suy nghĩ tích cực hơn. Hãy nhớ đọc có chọn lọc, nghe có suy nghĩ để tự bảo vệ lấy mình trước các anh hùng vẫn hoạt động sôi nổi từng giây, từng phút trên mạng kia. Hãy biết lựa chọn những ý kiến đúng đắn để hoàn thiện bản thân cũng như biết loại bỏ những lời nói sáo rỗng chỉ nhằm mục đích đả phá.

Xã hội vẫn lắm chuyện ồn ào và các “anh hùng” thì vẫn miệt mài gõ trên bàn phím. Có chăng mỗi chúng ta ý thức được việc mình làm, cách mình suy nghĩ để cảm nhận được rằng cuộc sống thực ngoài kia vẫn còn đẹp, vẫn giàu lòng nhân ái hơn thế giới ảo biết nhường nào!

Lê Lý Thúy Dung- 9/1

Similar Posts

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *